Trong khi thị trường bất động sản nhiều địa phương phía Nam vẫn trong quá trình phục hồi sau giai đoạn khó khăn, thì Bình Dương vẫn cho thấy sự nhộn nhịp với hàng loạt dự án ra mắt, khởi công.
Trong những năm trở lại đây, tại TP.HCM, giá nhà ở neo ở mức cao đã thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp Bất động sản (BĐS), nhà đầu tư, người mua nhà dịch chuyển đến các khu vực giáp ranh, nơi có các dự án với mức giá phù hợp, hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện. Trong đó, Bình Dương đã nổi lên như một điểm đến của khu vực phía Nam.
Báo cáo của VARS cho thấy, năm 2024, trong khi thị trường BĐS tại các địa phương khác trong khu vực miền Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể, thì thị trường BĐS Bình Dương đã trở lại với nhiều sản phẩm mở bán.
Cụ thể, trong năm 2024, thị trường Bình Dương ghi nhận khoảng hơn 5 nghìn sản phẩm mở bán, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là sản phẩm căn hộ chung cư, có giá bán sơ cấp trung bình đạt 43 triệu/m2. Tỷ lệ hấp thụ chung đạt 74%, với hơn 90% giao dịch được đóng góp bởi phân khúc căn hộ.
Từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường Bình Dương ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ nét, nhờ nguồn cung có xu hướng cải thiện từ hàng loạt dự án BĐS mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, ra mắt thị trường và khởi công. Đáng chú ý, đầu tháng 6, một số dự án BĐS chính thức mở bán đã tạo sức hút lớn với khoảng 70% bảng hàng được giao dịch sau một thời gian ngắn mở bán.
VARS cho rằng, việc hàng loạt dự án được ra mắt trước các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, hạ tầng và quy hoạch, càng kích thích nhu cầu đầu tư sau giai đoạn “nén”, mở ra cơ hội để thị trường bước vào chu kỳ mới. Trong đó, phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực tại khu vực giáp ranh TP.HCM, bao gồm Thành phố Mới Bình Dương, Thuận An và Dĩ An, là tâm điểm.
Nhiều lợi thế
Thị trường BĐS Bình Dương được giới chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá có nhiều lợi thế sẵn có để phát triển BĐS.
Đầu tiên phải kể đến là “thủ phủ công nghiệp” với hàng loạt khu công nghiệp quy mô lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước. Vai trò của Bình Dương đang có xu hướng mở rộng nhanh chóng, không chỉ là đô thị chất lượng cao cho lực lượng lao động trí thức làm việc tại khu vực, mà còn là bệ đỡ hạ tầng nhà ở cho TP.HCM, khi quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm.
Các khu vực như Dĩ An, Thuận An – hai đô thị cửa ngõ tiếp giáp với TP. Thủ Đức, TP.HCM, đang dẫn dắt xu hướng này. Không chỉ sở hữu hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện (quốc lộ 12, metro số 1, Vành đai 3,…), khu vực này còn ghi nhận làn sóng phát triển các khu đô thị tích hợp, các dự án cao tầng chất lượng cao, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, với mức giá thấp hơn 20-30% so với khu vực giáp ranh – khu Đông TP.HCM và các dự án có vị trí tương đương trong đô thị vệ tinh Hà Nội.
Ngoài các lợi thế sẵn có, thị trường BĐS Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn để bước vào chu kỳ mới, nhờ các cú hích về quy hoạch, hạ tầng. Đặc biệt là việc “về chung một nhà” với TP.HCM.
Gần đây, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Nghị quyết về phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam, trong đó, trung tâm này sẽ đặt tại TP. Thủ Đức. Trung tâm dự kiến sẽ tập trung các định chế tài chính, tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ và văn phòng đại diện quốc tế. Với định hướng ưu tiên phát triển thương mại – dịch vụ, hạn chế nhà ở tại Thủ Đức, nhu cầu sinh sống, an cư cho hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, nhà quản lý sẽ lan tỏa sang khu vực giáp ranh. Trong đó, các đô thị trung tâm phía Nam Bình Dương như Dĩ An, Thuận An, nơi chỉ cách Thủ Đức 20-30 phút di chuyển sẽ là khu vực hưởng lợi đầu tiên.
Việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế không chỉ đặt ra yêu cầu về nguồn cung nhà ở cao cấp, đa dạng loại hình, mà còn kéo theo nhu cầu phát triển đồng bộ hệ sinh thái hạ tầng, tiện ích, thương mại – dịch vụ xung quanh tăng tương ứng. Là khu vực giáp ranh trực tiếp, Bình Dương sẽ được hưởng lợi lớn từ việc nâng cấp đô thị.
Tiếp theo, việc sáp nhập Bình Dương vào TP.HCM đều nằm trong nhóm có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, không chỉ tái cấu trúc mạnh mẽ về hạ tầng và không gian phát triển vùng, mà còn tạo ra một “siêu vùng” phát triển với hiệu ứng cộng hưởng theo cấp số nhân, nơi mỗi địa phương không những phát huy lợi thế riêng mà còn bổ trợ và nâng tầm giá trị cho nhau. Bình Dương, vốn là trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam, sẽ được tiếp thêm động lực.
Đồng thời, việc sáp nhập sẽ tạo ra một hệ thống hạ tầng liên thông, đồng bộ, từ đó nâng cao hiệu quả kết nối vùng và liên vùng. Các tuyến hạ tầng giao thông chiến lược như Vành đai 3, metro kết nối TP.HCM tới Bình Dương… sẽ trở thành trục phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại. Khi hạ tầng phát triển đồng bộ, ranh giới hành chính sẽ bị xóa mờ, thị trường BĐS Bình Dương cũng được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng giãn dân, phân bổ lại dân cư và dòng vốn đầu tư.
Trên cơ sở đó, mặt bằng giá BĐS nhà ở tại Bình Dương, nhất là căn hộ phục vụ nhu cầu ở thực tại khu vực giáp ranh TP.HCM, được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.