Những điểm nghẽn và khó khăn của thị trường Bất động sản có thể sẽ được tháo gỡ trong quý 2. Những dự án đang vướng mắc pháp lý được giải quyết, khơi thông sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn.
Thưa ông, ông đánh giá sao về tình hình thị trường bất động sản trong quý đầu năm?
Ông Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản quý 1.2023 tiếp nối những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản từ quý 3, quý 4 của năm 2022 với những điểm rất xấu. Thị trường cả nước đều yếu, lượng giao dịch và nguồn cung ra thị trường đều sụt giảm.
Mặc dù vậy, vẫn có khu vực có những sản phẩm thu hút được các nhà đầu tư, nhất là các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Điều đó cho thấy, trong lúc thị trường khó nhất, xấu nhất thì các nhà đầu tư cũng vẫn luôn tìm kiếm cơ hội.
Ông dự báo như thế nào về tình hình thị trường bất động sản quý 2, đặc biệt là sau khi Chính phủ đã đưa ra một loạt động thái hỗ trợ thị trường?
Hàng loạt những động thái của Chính phủ đã tháo gỡ ba vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản. Đó là vốn, trái phiếu doanh nghiệp và điểm nghẽn pháp lý.
Trong đó, điểm nghẽn về tín dụng và trái phiếu đã có những văn bản có giá trị. Mặc dù tác động của những văn bản này mang lại chưa nhiều, nhưng chúng tôi ghi nhận nó đã có những hiệu quả nhất định.
Đối với điểm nghẽn lớn nhất là pháp lý thì các bộ, ngành cũng đang rất khẩn trương vào cuộc xây dựng các Dự thảo để trình Thủ tướng ký. Gần đây, Thủ tướng ký phê duyệt Nghị định 10. Đây là văn bản đầu tiên, đã tác động trực diện vào những điểm nghẽn về pháp lý, giải quyết cái khó khăn, cái nghẽn của phân khúc bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
Khi niềm tin của các nhà đầu tư đang yếu đi, chúng tôi cho rằng Nghị định 10 có thể tạo cú hích cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, trong quý 2 sẽ có khá nhiều các văn bản có tính quyết định đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, tạo động lực cho các chính quyền địa phương có cơ sở, điều kiện để phê duyệt các dự án, nhất là những dự án đã gần hoàn thành nhưng vẫn đang chờ các quy định. Khi đó, thị trường có thể sẽ đón nhận các nguồn vốn mới.
Theo tôi, có thể chưa hoàn toàn, nhưng phần lớn những điểm nghẽn, khó khăn của thị trường bất động sản trong quý 2 sẽ được tháo gỡ. Một phần trong hàng nghìn dự án đang vướng pháp lý sẽ được giải quyết, khơi thông. Tôi hy vọng, thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực hơn vào khoảng cuối quý 2 năm nay.
Thưa ông, mới đây Chính phủ đã đề xuất bán bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn. Quy định này thực ra không mới nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ trực tiếp đề xuất sau một thời gian đã bỏ quy định này. Vậy thì ông đánh giá như thế nào về đề xuất này? Ông có ủng hộ hay không?
Chúng tôi cho rằng, người tiêu dùng hiện nay là những đối tượng có thể được gọi yếu thế bởi vì họ đang không đủ năng lực kinh nghiệm, hiểu biết để có thể xác định, quyết định việc mua chọn các bất động sản – một tài sản có giá trị lớn mà có lẽ cả đời họ tích cóp mới mua được.
Thế nhưng, họ rất có thể bị mua phải những bất động sản không đảm bảo chất lượng, không đủ tính pháp lý, thậm chí là những bất động sản ma, mà như vậy thì rủi ro cho người mua là rất lớn.
Do đó, quy định để làm cách nào bảo vệ những người yếu thế này cũng là một điểm tích cực. Nếu qua một tổ chức có năng lực, có trách nhiệm thẩm định và chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng thì chúng tôi cho rằng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định khi đã chọn một tổ chức trung gian để thẩm định, để kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng, về pháp lý các sản phẩm bất động sản cho người tiêu dùng thì các tổ chức đấy phải cũng phải được quy định bởi pháp luật về năng lực, và các quy định trong ngành nghề này phải đầy đủ, chặt chẽ.
Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ việc làm thế nào để nhân viên môi giới phải được đào tạo, phải được pháp luật quy định chặt chẽ thì mới thực sự bảo vệ người tiêu dùng, giúp thị trường minh bạch và phát triển một cách bền vững.