TTĐT – Sáng 26-12, tại khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Tham dự có ông Nguyễn Minh Triết – nguyên Chủ tịch nước.
Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
Ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
Ông Nguyễn Văn Lộc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh;
Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh;
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Dầu Tiếng.
Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự có ông Nguyễn Thành Tâm – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
Ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo huyện Dương Minh Châu.
Công trình đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có chiều dài 800,39m, phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài 377,7m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m.
Tổng mức đầu tư dự án là 411,880 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh. Công trình có điểm đầu dự án giao với đường ĐT.744, thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối công trình đấu nối vào dự án đường Đất Sét-Bến Củi do phía Tây Ninh làm chủ đầu tư tại lý trình Km 0+800,38, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Công trình có phần cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực; mặt cắt ngang 25,5m bố trí cho 6 làn xe chạy, dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn bánh và lan can.
Phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/h, riêng đoạn đường dân sinh dưới cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h.
Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng. Chiều rộng nền đường 28,5m bố trí cho 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường. Riêng đoạn bố trí đường cong quay đầu xe chui dưới cầu thì nền đường rộng 37m.
Tuyến đường được bố trí hệ thống chiếu sáng, sơn đường, biển báo đầy đủ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, công trình là một trong nhiều dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tạo thuận lợi lưu thông, phát triển kinh tế -xã hội, tăng cường sự gắn kết cho nhân dân hai địa phương. Quan trọng hơn, dự án sẽ góp phần đẩy nhanh kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển không chỉ hai tỉnh mà còn cả khu vực Đông Nam bộ, rút ngắn thời gian di chuyển từ hai địa phương đến các đầu mối giao thông quan trọng quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3, Vành đai 4, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, Thị Vải…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đơn vị chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công và đội ngũ công nhân không quản ngày đêm xây dựng công trình bảo đảm chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, công trình được khánh thành hôm nay không chỉ kết nối giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh mà còn mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng và các cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hoá trong vùng được thuận lợi.
Ông Thắng cho biết thêm, sông Sài Gòn giáp ranh giữa Bình Dương và Tây Ninh dài khoảng 50km sẽ có 06 cây cầu kết nối. Đã có 03 cầu đưa vào sử dụng (cầu Sài Gòn, cầu Bến Củi và một cây cầu tạm thời chưa có tên vừa khánh thành hôm nay 26-12).
Sẽ có thêm 03 cây cầu được xây dựng, đó là cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh (thuộc dự án Chơn Thành – Đức Hòa) đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Hai cây cầu khác được tỉnh Bình Dương và Tây Ninh còn thống nhất chủ trương xây dựng thuộc địa phận thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).
Như vậy, trong tương lai, dọc bờ sông Sài Gòn giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh bình quân cứ cách từ 7 – 10km sẽ có một cây cầu.
Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã tặng quà cho các hộ dân tích cực phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình.