Thông tin Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mới đây đã tiếp tục dấy lên niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường địa ốc.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5 để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây là lần thứ 3 ngân hàng giảm lãi suất kể từ đầu năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay online liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa với kỳ hạn gửi từ 1 đến 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm, riêng lãi suất tối đa tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong sáng ngày 25/5. TPBank giảm lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng còn từ 4,6 – 4,9%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng giảm từ 0,1 -0,4%/năm. Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất cho vay 0,5%/năm với toàn bộ các khoản vay trong vòng 3 tháng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NamABank áp dụng biểu lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 % xuống 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm mạnh 0,6 % xuống 7,8%/năm. ABBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 36 tháng từ 9,2%/năm xuống 8,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 8,2%/năm. Nhìn chung hầu hết các ngân hàng giảm lãi suất huy động về quanh mức 8,5%/năm, nhóm ngân hàng lớn còn áp dụng lãi suất trên dưới 8%/năm như HDBank, SHB, VPBank, ACB, Techcombank, MBbank và khối ngân hàng quốc doanh.
Động thái ngân hàng giảm lãi suất vay lần thứ 3 liên tiếp được nhận định là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng. Tín hiệu rõ rệt nhất là lượng giao dịch đã dần trở lại sau thời gian “đóng băng”. Nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua BĐS với kỳ hạn ngắn. Lượng hồ sơ giải ngân cho nhu cầu vay mua nhà, mua đất tăng trở lại, nhất là ở loại hình mua bán chung cư, nhà liền thổ. Đánh giá về động thái ngân hàng giảm lãi suất, Mirae Asset dự báo 5 ngành nghề sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn bao gồm, bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông và hải sản, và xây dựng. Trong đó, nhóm ngành nhạy cảm với sự thay đổi của mặt bằng lãi suất như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi trước tiên.
Dự Đoán Thời Điểm Thị Trường Địa Ốc “Tan Băng”
Theo TS. Cấn Văn Lực, dư địa giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục sẽ tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng giúp thị trường địa ốc thêm kỳ vọng về sự phục hồi. Tuy nhiên vẫn cần một thời gian nữa để thị trường ngấm chính sách, có thể là năm 2024 BĐS sẽ tan băng.
Còn theo các chuyên gia của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì thị trường BĐS mới có thể phục hồi thanh khoản. Nếu ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức lý tưởng là từ 6 – 8%, nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại với giao dịch mua bán nhà đất.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu lãi suất giảm vì nguyên nhân là do ngân hàng thừa tiền thì thị trường địa ốc sẽ hưởng lợi. Nhưng hiện tại, việc giảm lãi suất không phải do nền kinh tế thừa tiền nên rất khó để các kênh đầu tư là chứng khoán hay bất động sản hút dòng tiền lúc này. Bên cạnh đó, dù biểu lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay BĐS vẫn cao nên khó khăn chưa thực sự được giải quyết. Ngoài ra, câu truyện lãi suất hiện nay chỉ tác động một phần tới thị trường BĐS, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải có dự án triển khai, cải thiện nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường thì mới có thể vực dậy thanh khoản.
Ông Hiển dự báo, có thể là đầu năm 2024, thị trường sẽ tan băng nhưng chỉ cục bộ, tập trung khu dân cư đô thị hay vùng đầu tư khai thác. Trong ngắn hạn và trung hạn các phân khúc BĐS đầu cơ vẫn sẽ giảm giá, còn phân khúc phục vụ nhu cầu thực vẫn sẽ có lực cầu. Dòng tiền dổ vào BĐS sẽ vẫn hạn chế khi lượng khách mua đầu tư mới khó gia tăng.